Bùng nổ dịch vụ truyền hình chất lượng HD giá bình dân
( 5/8/2014 4:04:43 PM ) Khi chuẩn chất lượng hình ảnh của các thiết bị nghe nhìn ngày càng cao, khi các nhà đài đua nhau giảm giá dịch vụ....thị trường đang chứng kiến một trào lưu mới của truyền hình trả tiền, trào lưu xem truyền hình chất lượng cao HD.
Truyền hình HD ngày càng phổ biến (Ảnh minh họa)
Ngày càng có nhiều khán giả truyền hình được thưởng thức các kênh truyền hình HD siêu nét, có độ phân giải cao gấp 5 lần so với các kênh SD thông thường.
Năm 2009, trên thị trường chỉ có 2 nhà cung cấp dịch vụ truyền hình SCTV và VTC tiên phong công bố cung cấp dịch vụ truyền hình độ nét cao HD tới công chúng. Khi đó, dịch vụ truyền hình HD thời đó được xem là dịch vụ truyền hình cao cấp, khách hàng phải đầu tư tới gần 5 triệu đồng để mua bộ thiết bị giải mã nhưng cũng chỉ xem được vài kênh HD, còn lại là các kênh tiêu chuẩn SD.
Thế nhưng chỉ sau gần 6 năm có mặt ở thị trường Việt Nam, dịch vụ truyền hình HD đã phát triển một cách mạnh mẽ, hầu hết tất cả các nhà cung cấp truyền hình trả tiền đều cung cấp dịch vụ truyền hình HD, với số lượng kênh nhiều hơn và giá cả cũng thấp hơn so với giai đoạn đầu tiên.
Sau khi đã phát triển mạnh tại thị trường phía Nam, Truyền hình cáp Saigontourist (SCTV) đang tấn công mạnh ra thị trường miền Bắc. SCTV là nhà cung cấp dịch vụ truyền hình HD có mức giá thấp nhất trên thị trường Hà Nội. Mức phí thuê bao gói HD là 80.000 đồng/tháng được xem hơn 140 kênh truyền hình trong đó 30 kênh HD. Mức phí này thậm chí là còn thấp hơn phí thuê bao của dịch vụ truyền hình cáp analog của một số nhà đài khác.
Bên cạnh SCTV các nhà cung cấp khác cũng đang đẩy mạnh dịch vụ truyền hình HD. Hiện K+ đang cung cấp gói PremiumHD+ có 74 kênh SD và 10 kênh HD với mức thuê bao 220.000 đồng/tháng. Nắm trong tay các bản quyền nội dung lớn, K+ vẫn là nhà cung cấp dịch vụ truyền hình có mức cước cao nhất trên thị trường hiện nay, mặc dù mức cước trên đã giảm gần 20% so với năm ngoái. Kế đó là VTC hiện đang cung cấp gói HD có 90 kênh SD và 15 kênh HD với mức phí thuê bao 100.000 đồng/tháng. VTVcab cung cấp gói dịch vụ truyền hình số với gần 150 kênh trong đó có 30 kênh HD với mức phí thuê bao 150.000 đồng/tháng.
Khách hàng tại khu vực Hà Nội còn được hưởng chương trình ưu đãi, được trang bị miễn phí tới 2 đầu thu truyền hình số, miễn phí lắp đặt, được tặng thêm 1 tháng sử dụng nếu đóng trước 3 tháng thuê bao trong vòng 1 năm đầu tiên kể từ khi hòa mạng. Với ưu đãi này, khách hàng của SCTV tại Hà Nội thực tế chỉ phải trả 60.000 đồng/tháng trong năm đầu tiên. Bên cạnh đó, các đài còn đang đua tranh cung cấp dịch vụ trọn gói: truyền hình HD, Internet tốc độ cao, điện thoại…với mức giá siêu rẻ, khiến cho dịch vụ truyền hình chất lượng cao HD càng có điều kiện bùng nổ.
Ông Trịnh Hùng Hạnh, Giám đốc SCTV Hà Nội cho biết, việc SCTV cung cấp dịch vụ truyền hình số HD với giá thấp là một trong những mục tiêu thực hiện lộ trình số hóa truyền hình của Chính phủ. Với chính sách tặng đầu thu, miễn phí hòa mạng, giảm cước, tặng thêm tháng sử dụng cho các thuê bao đóng cước dài hạn, SCTV muốn thúc đẩy khách hàng chuyển từ xem truyền hình quảng bá miễn phí sang sử dụng dịch vụ truyền hình số, đặc biệt là truyền hình chất lượng cao.
Theo ông Lê Đình Cường, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội truyền hình trả tiền, đến nay tất cả các hãng truyền hình trả tiền ở Việt Nam đã đầu tư truyền dẫn bằng công nghệ số, nên chất lượng truyền dẫn đã tốt hơn thời kỳ analog rất nhiều. Vấn đề cạnh tranh còn lại là phải đầu tư cho nội dung, nhà đài nào có nội dung tốt phù hợp với thị hiếu của nhiều đối tượng người xem, số lượng kênh HD nhiều, giá cả hợp lý sẽ có ưu thế cạnh tranh.
Thế Anh
Theo Dân trí
Các tin khác :
Buffett: Hãy cẩn thận khi rót tiền vào mạng xã hội
Windows 8 đạt 1 triệu lượt download chỉ trong 1 ngày
Ngày 26/6, thuê bao VinaPhone được gọi miễn phí
New iPad - thiết bị số nổi bật nhất nửa đầu năm 2012
Cước di động của Việt Nam có thể giảm nữa
Android vượt RIM và Apple trong năm nay?
“Ông chủ” Facebook kể chuyện đến nhờ Steve Jobs tư vấn
Hiện tượng mới trên Internet
Tìm định hướng phát triển và quản lý VNIX
Tin ‘hot’ không giúp ích cho báo điện tử