Mô hình hoạt động của Mason đang thay đổi cách kinh doanh của các công ty, đặc biệt là những công ty nhỏ hạn hẹp về ngân sách marketing. Trong tháng 5/2010, Groupon đã bán được 6.561 vé xem triển lãm King Tut ở Quảng trường Thời đại tại New York với giá chỉ 18 USD/vé, chỉ bằng hơn một nửa giá vé niêm yết. Chiến dịch đó đã mang lại cho công ty 120.000 USD. Chưa đủ, “vụ” lãi nhất của Groupon phải kể đến là vé tour du thuyền ở Chicago 25 USD, nhưng mua qua Groupon chỉ còn lại 12 USD. Trong vụ này, Groupon đã bán được 19.822 vé trong chỉ 8 giờ và “ăn chia” số tiền 238.000 với hãng điều hành tour.
Có mặt trên website Groupon, dù bán hàng với mức giá lỗ, cũng rất có ý nghĩa với một doanh nghiệp nhỏ. Vào tháng 3/2010, East Coast Aero Club, một trường đào tạo phi công ở Massachussets, đã ra các bài học bay cơ bản với giá chỉ 69 USD, trong khi mức giá thông thường của nó là 225 USD. “Giá giờ vàng” đóng cửa vào lúc 11h sáng, sau khi có tới 2.500 thành viên đăng ký – gấp nhiều lần con số 200 mà Club mong đợi. “Chúng tôi nhận thấy đây là một hình thức quảng bá cực kỳ hiệu quả”, Philip Greenspun, đại diện Club nói.
Mason cho biết hiện Groupon có hơn 35.000 công ty đăng ký tham gia. Các công ty phải đưa ra mức giảm giá lớn so với mức giá thông thường, và không được giống với các chương trình khuyến mãi khác mà công ty thường đưa ra.
Chính thức ra đời vào tháng 11/2008 tại Chicago, tính đến tháng 10/2010, Groupon hoạt động tại hơn 150 thị trường ở Bắc Mỹ và 100 thị trường ở châu Âu, châu Á và Nam Mỹ với khoảng 44 triệu thành viên.
Mặc dù Mason từ chối tiết lộ con số doanh thu cụ thể, song kể từ khi ra đời vào tháng 11/2008 đến nay Groupon đã bán được hơn 6 triệu giao dịch. Với hoa hồng 50% cho mỗi vụ, dự đoán doanh thu của Groupon đạt tới 500 triệu USD vào cuối năm 2010. Mason cũng không hề phản đối hay đồng ý mức dự đoán này.
Nhan nhản website “kiểu Groupon”
Groupon đã mở rộng phạm vi hoạt động đến 88 thành phố của Mỹ và 22 quốc gia trên thế giới, gồm cả Thổ Nhĩ Kỳ và Chilê. Hiện nay, hàng trăm đối thủ của Groupon đang mọc lên từ New York đến Braxin. “Chúng tôi muốn địa phương hóa thương mại điện tử, như cách Amazon đã làm với những hàng hóa tiêu dùng bình thường”, Mason nói.
Song có một vấn đề đang nảy sinh với mô hình của Groupon: bất kỳ ai cũng có thể copy nó. Hiện nay, hơn 200 website “kiểu Groupon” đã nở ra tại Mỹ, 500 website kiểu này ở nước ngoài, trong đó có 100 website ở Trung Quốc. Cuộc cạnh tranh không hề e ngại bất cứ khía cạnh nào. Nhiều website giống hệt với Groupon cả về mặt hình thức, thiết kế. Một website tại Nga, là BigLion, giống với Groupon từ trên xuống dưới, từ font chữ đến màu sắc. Có thể khởi kiện, song Mason nói theo đuổi một hãng mới thành lập tại Nga thật “chẳng bõ công sức”. Tại Trung Quốc, một phiên bản bắt đầu hoạt động tại địa chỉ www.groupon.cn, sử dụng i xì giao diện đồ họa. “Groupon đang muốn chiến thắng tất cả, nhưng có thể họ sẽ gặp khó để duy trì vị trí ở mọi thị trường”, Andrew Razeghim một giáo sư marketing tại trường Quản lý Kellogg ở Northwestern, nói.
LivingSocial, một đối thủ “thân cận” nhất của Groupon tại Mỹ, đã được đầu tư 40 triệu USD kể từ khi mở dịch vụ vào tháng 7/2009. Timothy O’Shaughnessy, CEO của LivingSocial, cho rằng họ sẽ có “cơ” thắng Groupon vì họ có số lượng nhân viên kinh doanh toàn thời gian tại 50 thành phố thị trường của họ. Groupon có nhân viên tại khoảng 50% thị trường. “Đây là ngành kinh doanh phải tiếp xúc với nhiều doanh nghiệp nhỏ, dù nhỏ nhưng kinh doanh là cuộc sống của họ”, O’Shaughnessy nói. “Với những người này, có thể làm việc trực tiếp với một người thật là rất quan trọng”.
Những đối thủ lớn “giấu mặt” cũng không ít, gồm cả Twitter, hiện đã có trên 80 triệu người dùng và 70 triệu tweet mỗi ngày. Tháng 6 vừa qua, Amazon.com mua Woot, một website đưa ra một chiến dịch giảm giá một ngày. “Miếng bánh này chắc chắn sẽ thu hút các đại gia”, Lefkofsky, cổ đông lớn nhất của Groupon nói.
Là hãng đi tiên phong cũng có những lợi thế riêng. “Groupon” hiện đang trở thành một thuật ngữ của mua sắm trực tuyến. Nhưng Mason cũng đang bảo vệ “miếng bánh” của anh. Để thu hút, anh đưa các chương trình chiết khấu đến với khách hàng theo địa lý; chẳng hạn, một người ở vùng North Side xa xôi của Chicago sẽ không được mua vé học yoga với mức giảm giá 50% tại Trung tâm Hyde Park ở South Side của thành phố.
Vào tháng 5/2010, Groupon đã mua lại Citydeal của Đức, một trang mua nhóm có 600 nhân viên, phục vụ tại 80 thành phố châu Âu. Mason nói có thể anh sẽ khởi động lại thị trường nước ngoài, nhưng “cũng khó khi đến từ một quốc gia khác và tìm ra thói quen mua sắm của người dân địa phương”.
Mạnh Hùng /ICTnews