Sự kiện làng TV trong năm 2010
( 12/30/2010 8:53:04 AM ) Việc ra mắt của hàng loạt các mẫu 3D và nền tảng thông minh, Google TV, là những sự kiến chính của làng TV trong năm nay.
|
Các hãng TV lớn hiện nay đều đã sở hữu ít nhất 1 model 3D. Ảnh: Philips. |
3D là chủ đề được bán tán nhiều nhất trong lĩnh vực hình ảnh của năm 2010 với đầy đủ các lời khen, chê. Công nghệ này có màn ra mắt rầm rộ và đầy ấn tượng tại triển lãm CES 2010 ngay đầu năm. Sau đó hai tháng, các mẫu 3D đầu tiên như Plasma VT20 series của Panasonic và LED C7000, C8000 của Samsung đã lần lượt đến được tay người tiêu dùng tại Mỹ. Tiếp sau là hàng loạt model 3D khác từ LG, Sony và Philips... nhanh chóng xuất hiện ở nhiều thị trường, trong đó có Việt Nam. Chỉ trong vòng một năm, các hãng TV hàng đầu đều sở hữu ít nhất một mẫu 3D, nâng tổng số lượng của dòng sản phẩm này lên tới hàng chục model khác nhau, từ LED, Plasma cho tới cả LCD.
Trong khi các nhà sản xuất bị hấp dẫn bởi 3D thì người tiêu dùng lại tỏ ra lạnh nhạt với công nghệ này. Số lượng tiêu thụ thực tế thấp hơn rất nhiều so với những dự đoán và kỳ vọng ban đầu. Tính đến hết năm 2010, công ty kiểm toán và nghiên cứu thị trường của Mỹ, Delloite, cho biết sẽ chỉ có khoảng 2% lượng TV bán ra trên toàn cầu hỗ trợ 3D. Trong khi đó, nhiều hãng nghiên cứu thị trường như DisplaySearch, GfK hay Nielsen đều công bố báo cáo rằng rất nhiều người chưa có ý định sắm TV 3D ngay trong năm nay và thậm chí là cả năm sau.
Sự tung hô thái quá về 3D và chỉ tập trung vào việc sản xuất ồ ạt phần cứng, nhưng lại thiếu quan tâm đến vấn đề nội dung được coi là một trong những vấn đề chính khiến cho TV 3D không có được thành công ngay trong năm đầu tiên ra mắt thị trường. Số lượng đĩa phim 3D Blu-ray có mặt trên thị trường quá ít, thậm chí còn không bằng số lượng model 3D mà các hãng tung ra. Ngay như một tác phẩm 3D đình đám, Avatar, cũng mới chỉ xuất hiện trên Blu-ray vào thời điểm cuối năm. Ngoài ra, chi phí đầu tư vào giải trí 3D tại gia còn quá cao cùng với những phiền phức khi phải đeo kính chuyên dụng cũng là những khó khăn ngăn cản sự phổ biến của 3D trong năm nay.
|
Google TV cho phép người dùng có thể lướt web, trò chuyện trực tuyến hay sử dụng các dịch vụ Internet. Ảnh: Slashgear. |
"TV kết nối mạng", xu hướng công nghệ mới của làng TV. Samsung là nhà sản xuất tiên phong trong việc trang bị các tính năng giải trí trực tuyến cho người dùng TV. Sau khi ra mắt hệ thống Internet@TV trên HDTV vào năm 2009, năm nay hãng điện tử tới từ Hàn Quốc còn mở rộng tính năng mạng trên các sản phẩm của mình với việc bổ sung thêm kho ứng dụng Samsung Apps đầu tiên cho HDTV. Người dùng giờ đây có thể theo dõi tin tức, thời tiết, xem video trực tuyến, nghe nhạc hay chơi game mini ngay trên màn hình rộng của HDTV với kết nối Internet có dây hoặc Wi-Fi không dây.
Chạy đua với Samsung, LG, Panasonic, Sony và Philips cũng lần lượt trình làng các hệ thống giải trí trực tuyến dành riêng cho TV màn hình mỏng của hãng. LG NetCast, Panasonic Viera Cast hay Philips NetTV đều cung cấp cho người xem hàng loạt tiện ích giải trí trực tuyến khác nhau trên nền web. Không chỉ cho phép truy cập và cập nhật các mạng xã hội như Twitter, Facebook, HDTV kết nối mạng ngày nay còn có thể thực hiện các cuộc gọi video call Skype giống như trên PC nhưng đơn giản hơn nhiều. Wi-Fi hay giắc Ethernet đã trở thành những cổng kết nối không thể thiếu trên HDTV cao cấp ngày nay.
Tuy vậy, đại diện tiêu biểu nhất cho xu hướng "TV kết nối mạng" phải là Google TV. Nền tảng TV thông minh mới mẻ này được xây dựng từ liên minh Google, Intel, Sony và Logitech, dựa trên nền hệ điều hành Android. Nhờ vậy nó có thể cung cấp cho người dùng tất cả những tiện ích trực tuyến mà các mẫu TV kết nối mạng hiện tại đang sở hữu. Người dùng được phép lướt web, xem phim, tải nhạc, chơi game Flash, hay trò chuyện trực tuyến... ngay trên màn hình TV của mình mà không cần phải sử dụng đến máy tính cá nhân hay điện thoại di động.
Dù mới chỉ ra mắt lần đầu vào thời điểm cuối tháng 5, nhưng các mẫu HDTV, đầu Blu-ray hay Set-top box sử dụng Google TV cũng nhanh chóng được Sony và Logitech phát hành ra thị trường vào thời điểm tháng 8 và 9 sau đó. Sau Sony, hàng loạt hãng sản xuất TV khác cũng nhảy vào sản xuất Google TV. Samsung, LG, Toshiba hay Sharp đều tuyên bố họ đang phát triển một sản phẩm sử dụng Google TV của riêng mình, cho thấy sự quan tâm đối với "TV kết nối mạng" chẳng hề thua kém 3D.
|
TV LCD sử dụng công nghệ màn hình LED ngày càng phổ biến. Ảnh: Daylife. |
Năm 2010 cũng chứng kiến sự phổ biến rộng rãi của TV LED. Hơn một nửa số lượng TV LCD ra mắt trong năm nay của Sony, LG và Samsung là các sản phẩm sử dụng màn hình công nghệ đèn chiếu LED (TV LED). Các hãng khác như Toshiba hay đặc biệt là Panasonic (vốn tập trung vào Plasma) cũng trình làng những model HDTV đầu tiên của mình như Regza XL700 hay Viera D25, sử dụng màn hình LED thay vì chỉ sản xuất LCD CCFL thông thường.
LED là ưu tiên hàng đầu để các hãng sản xuất áp dụng các phong cách thiết kế hay công nghệ trình diễn hình ảnh thế hệ mới. Nhờ ưu điểm siêu mỏng của màn hình LED, Samsung đã trình làng mẫu HDTV C9000 mỏng nhất trên thị trường trong năm nay với độ dày chưa tới 8 mm, còn Sony có được các mẫu Bravia 2010 dáng mỏng với thiết kế nguyên khối Monolithic ấn tượng, NX series. Công nghệ cải thiện chất lượng hình ảnh ở HDTV LED cũng lần lượt được LG (Full LED Slim) và Sharp (Quattron) trình làng trong năm nay.
Tính ra ở các model cao cấp và có kích thước màn hình "khủng", từ 50 inch trở lên, nay cũng chỉ còn xuất hiện với ở dòng TV này. Nếu chỉ tính riêng các sản phẩm 3D, cứ 10 mẫu đã có tới 7 sử dụng công nghệ màn hình LED, thay vì LCD hay Plasma. Theo báo cáo thị trường toàn cầu của DisplaySearch, gần 30% lượng TV màn hình mỏng bán ra trong năm nay là các sản phẩm LED và hứa hẹn sẽ tăng tới 50% ngay trong năm sau.
|
Mẫu TV OLED 31 inch của LG tại triển lãm IFA 2010. Ảnh: Engadget. |
OLED hứa hẹn là công nghệ màn hình chủ đạo trong tương lai. Sau khi phát hành những mẫu TV OLED 15 inch LE9500 (giá hơn 3.000 USD), LG lại tiếp tục mang tới triển lãm IFA 2010 (Đức) mẫu TV 3D OLED đầu tiên sở hữu kích thước 31 inch. Đây cũng là mẫu HDTV 3D có kích thước mỏng nhất trên thế giới hiện nay với độ mỏng chỉ là 2,9 mm, chưa bằng một nửa model C9000 siêu mỏng của Samsung. Các sản phẩm OLED xuất hiện với số lượng nhiều hơn ở hầu hết các triển lãm công nghệ, hình ảnh lớn trong năm, như CEATEC (Nhật) hay IFA (Đức).
Ưu điểm của TV sử dụng màn hình công nghệ diode phát quang hữu cơ, OLED, là khả năng thể hiện hình ảnh rực rỡ với độ tương phản cao không thua kém Plasma, mỏng và tiêu thụ điện năng ít hơn cả LCD LED. Nguyên nhân này khiến cho các hãng luôn ấm ủ kế hoạch sớm phát triển TV OLED màn hình lớn.
Trong năm nay, 17 tỷ USD là số tiền được Samsung và LG công bố sẽ bỏ ra để bắt đầu khởi động quá trình xây dựng nhà máy OLED mới bắt đầu từ năm 2010. Trong khi đó, đồng nghiệp tới từ Đài Loan, AUO, cũng bắt đầu kế hoạch phát triển sản phẩm HDTV OLED của riêng mình thông qua sự đầu tư của chính phủ.
Tuấn Anh/sohoa